09 trường hợp được đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
09 trường hợp được đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, Toàn Cầu Land BG giải đáp như sau:
1. 09 trường hợp được đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 07/2019/TT-BTP thì các trường hợp đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gồm:
(1) Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất;
(2) Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất;
(3) Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất;
(4) Đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;
(5) Đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất đồng thời với tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai;
(6) Đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng không phải là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khác theo quy định của pháp luật;
(7) Đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký;
(8) Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp đã đăng ký thế chấp;
(9) Xóa đăng ký thế chấp.
2. Nguyên tắc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Nguyên tắc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo Điều 5 Thông tư 07/2019/TT-BTP như sau:
– Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định tại Điều 4 Thông tư 07/2019/TT-BTP cho người yêu cầu đăng ký theo quy định tại Nghị định 99/2022/NĐ-CP và chỉ thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp bên thế chấp là người có quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Các bên tham gia hợp đồng thế chấp phải tự chịu trách nhiệm đối với các nội dung thỏa thuận về giá trị tài sản bảo đảm, nghĩa vụ được bảo đảm, việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên thế chấp hoặc của người khác theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 07/2019/TT-BTP và các quy định khác có liên quan của pháp luật dân sự;
Thỏa thuận về tài sản bảo đảm khác không phải là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nội dung khác mà các bên được thỏa thuận theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp đã đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở thì không được đồng thời đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đó; nếu đã đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai thì không được đồng thời đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở.
– Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp và đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai thì trước khi bán nhà ở trong dự án, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký để rút bớt tài sản thế chấp, trừ trường hợp chủ đầu tư, bên mua và bên nhận thế chấp có thỏa thuận khác.
Trường hợp chủ đầu tư thế chấp và đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khác hoặc công trình xây dựng hình thành trong tương lai trong các dự án nêu trên theo quy định của pháp luật thì:
Trước khi bán công trình xây dựng trong dự án, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký để rút bớt tài sản thế chấp.
– Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai theo nguyên tắc ghi nhận nội dung đăng ký trên cơ sở thông tin được kê khai trong Phiếu yêu cầu.
Người yêu cầu đăng ký phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác của thông tin được kê khai và của tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ đăng ký.
Chủ đề: “Văn bản hướng dẫn”