Hướng dẫn xác định diện tích đất vi phạm hành chính năm 2023 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, Toàn Cầu Land BG chia sẻ như sau:
1. Hướng dẫn xác định diện tích đất vi phạm hành chính năm 2023
Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, diện tích đất vi phạm trong các trường hợp quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP được xác định như sau:
(1) Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất thì xác định theo diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11 Luật Đất đai 2013;
Điều 11. Căn cứ để xác định loại đất
Việc xác định loại đất theo một trong các căn cứ sau đây:
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
2. Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật này đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quy định tại khoản 1 Điều này;
(2) Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà đã có bản đồ địa chính thì sử dụng bản đồ địa chính để xác định; trường hợp không có bản đồ địa chính nhưng có bản đồ khác đã, đang sử dụng trong quản lý đất đai tại địa phương thì sử dụng bản đồ đó để xác định;
(3) Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất mà không có giấy tờ quy định tại (1), (2) hoặc vi phạm một phần diện tích thửa đất thì người thi hành nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm xác định phạm vi, ranh giới đất vi phạm; xác định diện tích đất vi phạm hoặc trưng cầu đơn vị có chức năng đo đạc (trong trường hợp diện tích đất vi phạm lớn, hình thể thửa đất phức tạp không thể đo đạc bằng phương pháp thủ công) để xác định diện tích đất vi phạm ghi vào biên bản vi phạm hành chính.
Trường hợp người có hành vi vi phạm không đồng ý với kết quả đo đạc do cơ quan thanh tra, kiểm tra xác định thì được quyền thuê đơn vị có chức năng đo đạc xác định lại diện tích đất vi phạm. Chi phí trưng cầu đo đạc để xác định diện tích đất vi phạm do người vi phạm chi trả.
2. Các trường hợp liên quan đến diện tích đất vi phạm hành chính theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP
Cụ thể, các trường hợp liên quan đến diện tích đất vi phạm hành chính theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP bao gồm:
– Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm a và d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013
– Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm c và d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013.
– Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm b và d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013.
– Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm đ, e và g khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013.
– Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định; sử dụng đất vào mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định.
– Lấn, chiếm đất
– Hủy hoại đất
– Chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp đối với đất không thuộc trường hợp được chuyển quyền, cho thuê, thế chấp theo quy định Luật Đất đai 2013.
– Người sử dụng đất được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, để cho thuê lại đất, nhưng đã cho thuê lại đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần kể từ ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực.
– Chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở
– Chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư mà không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 42 và Điều 42a Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP)
– Chuyển quyền và nhận chuyển quyền đối với cơ sở tôn giáo không đúng quy định Luật Đất đai 2013.
– Nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không đủ điều kiện quy định tại Điều 193 Luật Đất đai 2013.
– Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức quy định tại Điều 130 Luật Đất đai 2013 và Điều 44 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
– Nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất không đúng quy định tại các Điều 153 và Điều 169 Luật Đất đai 2013 và Điều 39 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
– Không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục
– Không làm thủ tục chuyển sang thuê đất đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Đất đai 2013.
….
(Xem thêm tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP)
Xem thêm: “Hạn Mức Nhận Chuyển Quyền Sử Dụng Đất Nông Nghiệp Của Hộ Gia Đình, Cá Nhân”