Đầu tư. Đây là thời cơ chín muồi để đầu tư vào Đông Nam Á
S&P Global Market Intelligence dự đoán rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) sẽ thống trị tăng trưởng của thế giới trong năm 2023, tạo ra GDP thực dương trong khi Mỹ và châu Âu có thể rơi vào suy thoái. Nhờ đó, có rất nhiều cơ hội đầu tư vào các thị trường trọng điểm tại đây, nhất là tại Đông Nam Á.
Tăng trưởng vượt trội
Theo S&P Global, APAC sẽ chứng kiến mức tăng trưởng GDP thực tế khoảng 3,5% vào năm 2023. Khu vực này sản xuất 35% GDP của thế giới với sự hỗ trợ từ các hiệp định thương mại tự do trong khu vực, hiệu quả của chuỗi cung ứng và chi phí cạnh tranh. S&P Global kỳ vọng khu vực này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn suy thoái kinh tế trên toàn thế giới và hạn chế đà suy giảm kinh tế đối với các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu.
Một cuộc suy thoái ở Mỹ có thể mang lại lợi thế cho môi trường đầu tư ở APAC. Financial Times lưu ý rằng các cuộc suy thoái của Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 1990 và 2007 đã kích hoạt dòng vốn đáng kể đổ vào các thị trường mới nổi sau một giai đoạn lo ngại rủi ro tương tự như những gì chúng ta đã thấy gần đây.
Ví dụ, thị trường vốn quốc tế đã cung cấp khoảng 1% GDP của các thị trường mới nổi sau gần một thập kỷ rút tiền ra. Đến năm 2010, những dòng vốn này đã tương đương 2% GDP.
Khi APAC có vẻ sẵn sàng tăng tốc trong những năm tới, một số nhà đầu tư đã nhận thấy các cơ hội chín muồi ở một số thị trường nhất định.
Cơ hội tại các thị trường mới nổi
David Yong, Giám đốc điều hành của Evergreen Group Holdings, đơn vị quản lý quỹ Evergreen, nhận định các thị trường mới nổi đã vượt trội so với các thị trường phát triển sau đại dịch và những căng thẳng địa chính trị gần đây.
Ngoài ra, ông cũng nhận thấy các thị trường mới nổi có tiềm năng mang lại lợi nhuận dài hạn cao hơn nữa do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của khu vực, nhất là việc đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Ông Yong giải thích: “Với sự biến động hiện nay trong môi trường kinh tế vĩ mô, các rủi ro đối với sự ổn định tài chính chính bao gồm lạm phát, triển vọng kinh tế xấu đi, chi phí đi vay cao và sự biến động trên thị trường hàng hóa”.
“Các nhà đầu tư đã tiếp tục đa dạng hóa danh mục tại các thị trường mới nổi để linh hoạt trước những thách thức bên ngoài. Tuy nhiên, họ cũng cần cân nhắc mức độ rủi ro tương ứng với cơ hội trong điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay. Bởi xét đến cùng, các sàn giao dịch chứng khoán và các phương tiện đầu tư khác ở các thị trường mới nổi vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, và là một thách thức đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong việc tiến hành thẩm định”.
Tài chính vi mô và bất động sản
Ông Yong nhận thấy các cơ hội cho dịch vụ tài chính vi mô ở châu Á, nhất là các nước Đông Nam Á, giúp những người dân không có tài khoản ngân hàng hoặc chưa đủ điều kiện vay vốn tại ngân hàng tiếp cận với một tổ chức cho vay có hệ thống. Yong nhấn mạnh người tiêu dùng đang là nhân tố chính đóng góp vào sự phát triển của ngành tài chính ở khu vực.
Ông giải thích: “Khi một thị trường mới nổi phát triển, thu nhập thường tăng nhanh, kéo theo sự gia tăng của tầng lớp người tiêu dùng. Một thị trường đầy những người tiêu dùng khao khát các sản phẩm và dịch vụ mới có lợi cho sự phát triển của các các doanh nghiệp tài chính, nhất là với sự góp mặt của các công cụ fintech và số hóa”.
Ông Yong cũng chỉ chỉ ra sự quan tâm ngày càng tăng đối với thị trường bất động sản trong thế giới tài chính.
“Việc cung cấp tín dụng để vay mua nhà bằng hình thức thế chấp, nhu cầu sở hữu nhà cao, và tiềm năng tăng giá nhà ở các nước đang phát triển và mới nổi trong khu vực là thỏi nam châm với giới đầu tư”.
Ông cho biết Evergreen hiện đang tập trung rót vốn vào các bất động sản nhà ở, thương mại và công nghiệp tại Singapore, Việt Nam, Campuchia và Hàn Quốc.
Ba yếu tố chính đã thu hút các doanh nghiệp như Evergreen đến với Đông Nam Á là dòng tiền đều đặn, tính bền vững và trách nhiệm xã hội. Trong đó, các yếu tố ESG quan trọng hơn nhiều về dài hạn, có trách nhiệm và tác động tích cực đến môi trường và xã hội ở quy mô toàn cầu hoặc địa phương.
Các vấn đề chính cần giải quyết
Nợ quá hạn là một mối quan tâm quan trọng khác khi đầu tư vào thị trường châu Á. Theo Yong, một số công ty tài chính vi mô không thực hiện được sự thẩm định cần thiết trong cuộc đua giành lợi nhuận. Nếu không có những kiểm tra đó, rủi ro vỡ nợ sẽ tăng lên đáng kể, đặc biệt nếu người đi vay thiếu đào tạo về tài chính hoặc kinh doanh.
Tuy nhiên, những vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách thắt chặt các quy định quản lý tài chính vi mô và đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt hơn đối với việc phát hành khoản vay và điều kiện của người vay.
Hai vấn đề khác mà Đông Nam Á sẽ phải cải thiện là thiếu tính kết nối với toàn cầu và các rào cản về mặt ngôn ngữ, những điều này có thể hạn chế độ sự phát triển và tiềm năng của khu vực này trên hành trình thu hút đầu tư.