Cởi trói pháp lý sẽ giúp bất động sản nghỉ dưỡng hết ngủ đông?
- Việt Nam trở thành điểm sáng trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thương hiệu tại châu Á
- Chiêm ngưỡng dinh thự nghỉ dưỡng 12 triệu USD của nhạc sĩ Carlos Santana tại Hawaii
Thị trường bất động sản đang giảm tốc
Trước đại dịch, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng lượt khách ấn tượng. Hình ảnh du lịch Việt Nam cũng trở nên thân thuộc và dần trở thành điểm đến nghỉ dưỡng nổi bật trong khu vực Đông Nam Á, cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, cho rằng sau một giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường này đang giảm tốc với nhiều dự án triển khai dang dở cũng như một số dự án chưa đạt được hiệu quả tối ưu. Các yếu tố lạm phát, xung đột chính trị, chi phí hàng không đắt đỏ và sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong ngành tác động đến sự phục hồi của các hoạt động du lịch.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels
Tại Việt Nam, quá trình khôi phục diễn ra không đồng đều. Công suất phòng của các khách sạn tại TP.HCM đang dần khôi phục về mức trước đại dịch. Trong khi đó, thị trường Nha Trang và Đà Nẵng vẫn đang gặp nhiều thách thức; lợi nhuận hoạt động kinh doanh tại những khu vực này vẫn đang thấp hơn Bali và Phuket từ 40-60%.
Bà Fenady Uriarte, Quản lý phát triển kinh doanh, thị trường Đông Nam Á tại STR cho hay tính đến hết tháng 2/2023, chỉ số doanh thu trên mỗi phòng sẵn có tại các quốc gia Đông Nam Á đang rất gần với mức trước đại dịch. Dẫu vậy, thị trường Việt Nam vẫn đang gặp nhiều thách thức khi chỉ số này thấp hơn 33,4% so với năm 2019.
Giá phòng bình quân là điểm sáng trên thị trường, khi đang ghi nhận tốc độ khôi phục tốt. Việc các thị trường Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản mở cửa trở lại được kỳ vọng đem đến những tín hiệu tích cực cho ngành du lịch Việt Nam.
Bên cạnh việc nguồn cầu du lịch quay lại chậm hơn kỳ vọng, chính sách kiểm soát tín dụng trong thời gian qua cũng tác động không nhỏ đến hoạt động phát triển, khiến nhiều dự án phải trì hoãn hoặc tạm dừng.
Với bất động sản nghỉ dưỡng bán, báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam ghi nhận nhà phố, shophouse sụt giảm mạnh trong hai tháng đầu năm, ghi nhận mức thấp nhất từ trước đến nay.
Cụ thể, cả nước chỉ ghi nhận ba căn biệt thự nghỉ dưỡng mới và chỉ có một căn được giao dịch. Còn shophouse nghỉ dưỡng có sáu căn mới ra thị trường. Đây là mức thấp nhất từ trước tới nay. Đáng chú ý, thị trường không ghi nhận phát sinh giao dịch nào đối với loại hình này.
Ở loại hình condotel, tình hình cũng không khả quan hơn khi không có nguồn cung mới, thị trường gần như “đóng băng” sau những tín hiệu hồi phục tích cực giai đoạn đầu năm 2022.
Lý giải về nguồn cung sụt giảm mạnh, đơn vị này cho biết trước tình hình khó khăn của thị trường cũng như những bất ổn kinh tế, địa chính trị, các chủ đầu tư liên tục dời thời gian triển khai bán hàng khiến nguồn cung đưa ra thị trường hạn chế. Thanh khoản thị trường rất thấp, thị trường gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông”.
Kỳ vọng từ việc cấp sổ cho condotel
Mới đây, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ “sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai”, trong đó đã quy định chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch (condotel, officetel, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng).
Theo Nghị định 10, căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện sẽ được cấp sổ.
Để được cấp giấy chứng nhận, các công trình này phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Thời hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 điều 126 và khoản 1 điều 128 của luật Đất đai 2013. Chủ sở hữu công trình xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đáp ứng đủ điều kiện.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đón tin vui từ việc cấp sổ cho condotel, officetel (Ảnh minh họa)
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh đã có đủ căn cứ pháp luật để cấp Giấy chứng nhận cho tất cả các cơ sở lưu trú du lịch, điển hình là căn hộ du lịch (condotel), tháo gỡ được vướng mắc cho công tác cấp Giấy chứng nhận cho condotel.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng nghị định này chưa quy định khái quát hóa việc cấp Giấy chứng nhận đối với các công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú trên đất thương mại, dịch vụ, mà chỉ quy định cấp Giấy chứng nhận đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ. Vậy nên phạm vi điều chỉnh của khoản 4 Điều 1 Nghị định số 10/2023/NĐ-CP rất hẹp.
Do vậy, hiệp hội tiếp tục kiến nghị sửa đổi Nghị định 10/2023 để cấp Giấy chứng nhận cho căn hộ condotel, căn hộ officetel và các công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú trên đất thương mại, dịch vụ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tính khái quát cao.
Thống kê của HoREA cho biết đến cuối năm 2022, chỉ riêng condotel trên cả nước có khoảng 83.000 căn chờ sổ hồng, phần lớn thuộc các khu du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng quỹ đất thương mại, dịch vụ có thời hạn 50-70 năm. Ở phân khúc officetel, shophouse, riêng tại TP.HCM có 10.019 căn chưa được cấp sổ. |
Bất động sản nghỉ dưỡng “ngủ đông” đến bao giờ?
Trong hai tháng đầu năm, phân khúc shophouse chỉ ghi nhận sáu căn mới nhưng không có giao dịch phát sinh, riêng biệt thự có ba căn được rao và bán được một căn.
theo Thanhnienviet
Kết nối fecebook với chúng tôi để nhận nhiều thông tin hơn!