- ‘Phá băng’ bất động sản, cách nào?
- Thị trường địa ốc “nương nhờ” nhu cầu thực
Nhiều ki ốt bất động sản tại khu vực đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (Quảng Nam) đóng cửa do vắng bóng nhà đầu tư bất động sản. Ảnh: Lưu Bang
Một năm đầy biến động
Thống kê từ Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2022, cả nước có 785.637 giao dịch bất động sản thành công. Trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ là 154.756 giao dịch, đất nền là 630.881 giao dịch.
Tổng lượng giao giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công trong năm 2022 tăng 138,6% so với năm 2021. Số lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công trong các quý trong năm 2022 không ổn định khi lượng giao dịch thành công tăng cao nhất vào quý 2 sau đó giảm và thấp nhất vào quý 4.
Trong khi đó, tổng lượng giao dịch đất nền thành công trong năm 2022 tăng 370% so với năm 2021. Lượng giao dịch đất nền thành công trong các quý năm 2022 không ổn định, khi lượng giao dịch đất nền tăng mạnh nhất trong quý 1, quý 2 rồi sau đó giảm mạnh trong quý 3 và tăng nhẹ trong quý 4 so với quý 3.
Một dự án bất động sản đang triển khai xây dựng tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Lưu Bang
Nhiều khó khăn, thách thức
Trải qua giai đoạn trầm lắng do tác động từ dịch bệnh Covid-19, thị trường bất động sản dần phục hồi nhưng lại sớm rơi vào giai đoạn khó khăn, thách thức kể từ quý 3/2022.
Tại Thông cáo 12/TC-BXD, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2022, vẫn là năm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án.
Nhiều doanh nghiệp phải dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO. Thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động.
Phân tích những khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn do khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.
Một nguyên nhân khác xuất phát từ lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng tăng, dẫn đến chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân, thiếu dòng tiền để trả cho doanh nghiệp cung ứng và trả lương người lao động do chủ đầu tư không có nguồn để thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ thuế.
Chưa hết, khách hàng mua bất động sản khó tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng gián tiếp ảnh hưởng đến thanh khoản các sản phẩm, dự án bất động sản dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát hành trái phiếu và huy động vốn dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.
Kỳ vọng thị trường bất động sản phục hồi và phát triển lành mạnh. Ảnh: Lưu Bang
Kỳ vọng thị trường sớm phục hồi
Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mặc dù tình hình giao dịch sụt giảm nhưng thị trường bất động sản chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao.
Sở này cho biết thêm, hiện tượng sốt đất, bong bóng bất động sản gần như không còn xuất hiện.
Tương tự Thừa Thiên Huế, tại nhiều địa phương khác trong cả nước cũng ghi nhận những hiện tượng sốt đất, bong bóng bất động sản gần như không còn xuất hiện.
Gần đây, tại Quảng Trị, Bình Định đã hủy bỏ hàng loạt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất do khách hàng bỏ cọc.
Việc giới đầu cơ dần rút lui khỏi các cuộc đấu giá đất mở ra cơ hội trúng đấu giá đất cho những nhà đầu tư dài hạn và người dân có nhu cầu ở thực, đồng thời hạn chế tình trạng “thổi giá” gây sốt ảo có thể xảy ra trong năm 2023.
Cơ hội cho sự phục hồi của thị trường bất động sản hiện nay còn đến từ những quy hoạch mới được dự báo sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản trong năm 2023, đặc biệt là quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, các đồ án lớn của tỉnh đã cơ bản hoàn thiện và được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Chẳng hạn như Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm.
Đây là một trong số những tín hiệu đáng mừng được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến tình hình thị trường bất động sản tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Đơn cử, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, địa phương có liên quan khẩn trương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản trên địa bàn.
Từ đó đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với từng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai, đề xuất cụ thể, rõ ràng các vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định pháp luật.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng vừa giao Sở Xây dựng rà soát lập danh mục các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản trên địa bàn.
Qua đó đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với từng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai để chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cụ thể, rõ ràng các vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ trong trường hợp vượt thẩm quyền.
Sở Xây dựng thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường; báo cáo các cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các trường hợp vượt thẩm quyền các cấp, các địa phương.
UBND thành phố này cũng giao Sở Xây dựng đẩy mạnh thực hiện việc rà soát, trình, phê duyệt (phê duyệt điều chỉnh) quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để triển khai thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, bất động sản trên địa bàn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị 03 nhằm đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, có biện pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản cho cả người bán, người mua. Thúc đẩy dự án hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… ; tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế ”tín dụng đen”.
5 câu hỏi lớn của ngành bất động sản trong năm 2023
Sau vài năm chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, kinh tế và các vấn đề địa chính trị, những người tham gia vào thị trường bất động sản đang tự hỏi liệu điều gì sẽ diễn ra trong năm nay?
theo Thanhnienviet